Tôi và hoa dã quỳ Pleiku

 

Đang ở Hà Nội, mùa hè năm 1951 bố tôi được lệnh thuyên chuyển về Vĩnh Phúc Yên. Lúc đó tôi vừa được gần 6 tuổi. Chiến tranh Việt Pháp đã bùng nổ ở những vùng xa xôi và Vỉnh Phúc Yên đang được coi là vùng xôi đậu nên bố mẹ tôi quyết đinh không mang tôi theo mà gửi tôi về sống tạm tại quê nội một thời gian.

Quê nội tôi là một làng nhỏ nằm bên kia bờ sông Hồng thuộc tỉnh Gia-Lâm cách Hà Nội 9 km.Tôi rời Hà Nội vào một buổi sáng khi đèn đường còn chưa tắt. Đây không phải là lần đầu nhưng lần này nhìn mẹ tôi xách chiếc va ly nhỏ chứa đầy quần áo của tôi và mấy món đồ chơi tôi có cảm tưởng như mình sẽ đi tới một nơi nào xa xôi lắm !

Bến xe tù mù dưới ánh sáng vàng vọt của những ngọn đèn đường.Tiếng máy xe ầm ì, tiếng những người lơ xe cãi nhau tranh dành níu kéo khách, tiếng rao hàng inh ỏi và những tiếng còi xe đủ loại vang lên khắp bốn phía làm tôi sợ hãi nép sát vào tà áo mẹ tôi. Khi đã ngồi yên trên xe tôi mới nhìn thấy có những đứa bé thân hình không lớn hơn tôi bao nhiêu tay cầm chiếc túi vắt vai tay kia cầm ổ bánh mì nhỏ giơ cao miệng vừa rao “ bánh tây nóng đây, bánh tây nóng đây “ vừa tất tả chạy từ xe nọ qua xe kia. Hồi đó ở ngoài Bắc bánh mì được gọi là bánh tây ! Mẹ tôi gọi mua một ổ nhét vào tay tôi, chiếc bánh mì nóng trong bàn tay nhỏ bé nhưng trong lòng tôi hình như mơ hồ một cảm giác xót thương.

Xe rời khỏi bến, đánh một vòng quanh bùng binh rồi bắt đầu leo lên cầu Long-Biên. Mặt trời bắt đầu lên, gió thổi vào xe mang theo cái se lạnh của buổi ban mai. Nước sông đỏ một mầu cuồn cuộn chẩy, xa xa những ráng mây hồng. Tôi thu người trong chiếc áo lạnh, nép vào lòng mẹ tôi và thiếp đi theo nhịp lắc lư của xe.

Con đường dẫn từ cổng làng đến nhà ông bà nội tôi chỉ có một đoạn là được lát gạch phần còn lại bằng đất quanh co giữa những cánh đồng l Tôi ham nhìn những cây lúa xanh mướt như cùng hẹn nhau rạp mình theo gió rồi lại cùng đứng lên nên thỉnh thoảng lại phải lúp xúp bước thấp bước cao chạy theo cho kịp mẹ tôi.

Căn nhà của ông bà nội tôi được xây thật cao giữa một chiếc sân gạch rất rộng để có chỗ phơi lúa. Ông tôi theo nho học gặp thời chữ quốc ngữ nên quay ra làm nghề hốt thuốc Bắc nên được gọi là ông lang. Ngoài việc bốc thuốc ông tôi không hề nhúng tay đến một việc nào khác trong nhà. Thú vui của ông tôi là hàng trăm chậu hoa đủ loại xếp hàng ngay ngắn quanh sân và một gìàn khoảng chừng ba chục giò phong lan nằm chiếm hết một đầu sân. Sáng sáng ông tôi làm một vòng chăm chút tưới những chậu hoa trước khi xách chiếc ô đen đi thăm những nguời bệnh. Thỉnh thoảng tôi lại thấy ông tôi trở về tay xách một chậu hoa. Bà tôi thầm thì nói “ông mày lại không lây tiền thuốc ! “ Tính ông tôi vậy, nếu thấy bệnh nhân có một loại hoa nào đẹp là luôn luôn đề nghị lấy hoa thay vì lầy tiền, Đôi khi gặp những bệnh nhân nghèo không có tiền để trả ông tôi vẫn tận tình săn sóc hoặc đêm hôm dù mưa gió ông tôi vẫn không nề hà xách đèn bão đi thăm bệnh nên lâu lâu tôi lại thấy có người đem đến biếu ông tôi những chậu hoa thật đẹp.

Bà tôi ngược lại phải lo đủ thứ từ việc thuê người cấy lúa, gặt lúa cho đến những công việc trong nhà như cơm nước cho ông tôi. Ông tôi rất thích uống trà ướp sen nên chiếc ao lớn sau nhà được bà tôi cho thả sen. Vào giấc chiều sau khi ăn xong ông tôi thường dẫn tôi ra ngồi trên cầu ao, gió thổi từ những cánh đồng phía xa lướt qua mặt nước làm gợn sóng lăn tăn phà vào mũi tôi một mùi thơm mà ông tôi nói đó là mùi của ruộng lúa pha lẫn với mùi của hoa sen.

Có những buổi sáng mặt trời chưa qua khỏi ngọn tre bà tôi đã đi hái sen để ướp trà , tôi được ngồi bệt trên chiếc ghế đẩu kê trong lòng chiếc thuyền nan hai tay bám lấy mạn thuyền, đến gần trưa tôi như ngập trong đám hoa sen chất đầy trong thuyền, một mùi thơm ngào ngạt quanh tôi. Có một lần nhìn thấy con chuồn chuồn ớt đỏ tươi đậu trên chiếc hoa sen tôi buông 2 tay nhoài tới trước tính bắt, chiếc thuyền chòng chành chao qua chao lại. Bà tôi la “ cha thằng bố mày, ngồi yên nào “ Tôi xụ mặt , một lát sau tôi hỏi “ bà ơi ! sao cháu hư mà bà lại mắng ông nội ? “ bà tôi ngạc nhiên “ sao cháu nói thế, có bao giờ bà dám mắng ông nội đâu nào !” tôi trả lời thì cha của bố cháu là ông nôi mà. Bà tôi cười khanh khách “ cái thằng ! bé tý mà lý sự như ông Trạng “, tôi không biết ông Trạng là gì nhưng trong âm thanh câu nói như mang đầy yêu thương nên ngổi im đưa mắt nhìn những bông sen hồng tươi dưới những tia nắng của mặt trời vừa vượt qua khỏi rặng tre.

Tôi vốn nghịch ngợm nhưng không bao giờ bị bà tôi đánh đòn mà lúc nào cũng chỉ là câu mắng yêu “ cha thằng bố mày “ mỗi khi tôi làm điều gì đó không đúng. Năm 1978 tại Canada đang giờ họp với vài bạn đông nghiệp thì được tin bà nội đã qua đời tại Việt nam. Tôi nước mắt lưng tròng bỏ về văn phòng khóa trái cửa lại để mặc hai hàng nước mắt chẩy dài và trong đầu âm thanh lời mắng yêu “ cha thằng bố mày ” của bà tôi cứ vang vang !

Ngày mẹ tôi phải rời làng, buồi sáng sớm ông tôi dẫn tôi ra vườn hoa trao cho tôi một chiếc gáo nhỏ nói là muốn tôi gíúp ông tưới cây. Ông nói tên từng cây một,chỉ cho tôi tưới nhẹ nhàng vào từng gốc, sau đó nói tôi nâng nhẹ từng cành hoa đưa lên mũi ngửi.

Với tôi cả một thế giới mới lạ như vừa đến với tôi. Hương thơm nhẹ nhàng thanh thoát của hoa hồng, mùi thơm nồng nàn của hoa nhài, mùi ngọt ngào của hoa huệ......sau đó ông tôi nói tôi nhắm mắt lại đưa cho tôi từng chiếc hoa một bắt ngửi và nói tên hoa. Tôi vui với trò chơi mới nên khi mẹ tôi nói tôi ở lại tôi chỉ ngước mắt nhìn nói “ dạ “ rồi lại tiếp tục với trò chơi ! Những ngày sau đó tôi thường theo ông tôi nhìn ông tỉa lá bắt sâu. Những nụ hoa từ từ nhú ra khỏi cành bắt đầu như hạt gạo mỗi ngày lớn dần nở thành những đóa hoa với những hình dáng mầu sắc khác nhau làm tôi thích thú.

Ngày rầm và ngày mùng một bà tôi thường cắm trên bàn thờ Phật những bó hoa huệ cắt trong vườn hoặc những đoá hoa sen hái ở chiếc ao sau nhà. Tôi ngủ trên chiếc phản gỗ lim kê cạnh đó nên thường thức dậy trong tiếng mõ đều đặn và mùi hương thoang thoảng của hoa sen, hoa huệ.

Những buổi trưa hè nóng như thiêu đốt bà tôi hay gội đầu tại sân trước bằng nước bồ kết chứ không dùng xà bông như bà vẫn gội đẫu cho tôi. Lúc đó tôi thường dành lấy phần việc cuối cùng là múc từng gáo nước mưa đựng trong chiếc thau đồng ngâm đầy hoa bưởi xối trên tóc bà để làm mất đi mùi nồng của bồ-kết. Tôi thích cái mùi thoang thoảng nhẹ nhàng của hoa bưởi .Khi bà tôi ngồi hong tóc trên chiếc trõng tre kê dưới gốc cây xoan gần cầu ao của chiếc ao nuôi cá trước nhà tôi thường bị bắt nằm ngủ trưa tại đó. Tôi thiếp đi dễ dàng trong cái mùi hương thơm của hoa bưởi toát ra từ mái tóc bà tôi hòa lẫn với cái hương hăng nồng của hoa xoan và trong cái gió mát phe phẩy đều đặn của chiếc quạt nan.

Có thể như tội nghiệp cho tôi vì phải xa bố mẹ nên ông bà nôi tôi đã chiều chuộng tôi hết mình. Ngày nào sau buổi trưa tôi cũng được bà tôi dúi vào tay khi thi vài cái kẹo vừng khi thì vài cái kẹo đậu phọng hoặc là những viên kẹo bột bán tại chợ quê. Có một hôm tôi đòi ăn bánh tây kẹp chả bò mà tôi vẫn thường được ăn tại Hà Nội và bà tôi đã phải tất tả đi vòng trong xóm kiếm người đi Hà Nôi nhờ mua về cho tôi.

Bạn chơi đùa của tôi thời đó tên Ất lớn hơn tôi 3 tuổi, con trai của người tá điền bà tôi cho ở trong cái nhà tranh nằm xa trong góc vườn. Nó lo việc chăn con trâu của ông bà tôi. Những ngày trâu phải làm việc ngoài đồng Ất luôn luôn tới tìm tôi. Tôi đã nghịch nó thì còn nghịch hơn tôi và cái gì cũng biết nên hai đứa rất hợp nhau. Tôi thường giữ lại những cái kẹo để chờ ăn chung với nó. Thỉnh thoảng nó đem lại cho tôi khi thì những con chàng-hiu xanh lè bỏ trong cái ống tre, khi thì con ve sầu hoặc con dế đựng trong chiếc bao diêm, khi thì cái tổ chim với những con chim nhỏ chíp chip hả cái miệng đòi ăn. Món quà này đã làm bà tôi bắt tôi phải tức tốc đem trả lại nó !

Ông tôi hút thuốc lào nhưng vẫn có bao thuốc lá để mời khách, mỗi ngày khi cà rà bên ông nói chuyện tôi thường mân mê bao thuốc nên còn nhớ đó là thuốc Bastos xanh. Một hôm Ất xúi tôi lấy trộm một điếu thuốc sau đó hai đứa chui vào cái kho thóc để hút . Nó lóng cóng mồi điếu thuốc đưa tôi, tôi lắc đầu. Nó hút từng hơi ngắn, tôi thử hút hơi đầu ho sặc sụa nhưng thấy nó vẫn hút nên tôi bậm gan hút theo. Đến khi bà tôi không thấy tôi đâu đi kiếm thì hai đứa đã lờ đờ như hai con cá mắc cạn !

Có lần tôi đã ôm con chó Vện để nó cột vào đuôi con chó sợi dây có chiếc lon sữa bò. Được thả ra con Vện hốt hoảng vì tiếng động của lon sữa bò lết trên sân gạch nên vừa chạy vừa sủa inh ỏi làm ông tôi đang ngủ trưa phải thức giấc. Hai đứa sợ trốn biệt ở góc vườn sau trong một lùm cây !

Cả một mùa hè tôi đã lang thang theo Ất, nó leo trèo rât giỏi nên thường hái cho tôi những trái sung xanh hoặc những đọt lá ổi non để ăn với muối, những trái bàng đỏ ău ngọt lịm hoặc là những trái lạc-tiên mọc len lỏi giữa những hàng rào tre đầy gai. Biết tôi thích hoa nên nó thường bơi ra giữa ao hái cho tôi những chiếc hoa súng mầu vàng mầu hồng hay những đoá hoa lục bình tím đậm. Nhà hàng xóm có cây hoa ngọc lan cao ngất ngưởng nó cũng leo trộm hái về cho tôi những chùm hoa trắng thơm nức mũi, những lần như vậy bà tôi thường lầy một hai cái để trong cái gối đầu của tôi.

Năm 1999 tôi đã trở về làng cũ nhưng người bạn thuở ấu thơ của tôi đã mất tích từ lâu trên con đường Trường Sơn.

Những ngày tháng sống trong tình thương của ông bà, của người bạn chân tình và trong cái bầu không khí thoang thoảng mùi hương của hoa bưởi, hoa xoan,hoa hồng, hoa sen, hoa huệ hình như đã ảnh hưởng lớn đến tâm hồn và cá tính tôi.

Cuối tháng 9 năm 1969 tôi đặt chân tới Pleiku lần đầu tiên trong một buổi chiều ngày thứ bẩy.Con đường từ phi trường Cù Hanh dẫn về thành phố vàng rực hoa dã quỳ. Tôi chờ đợi sẽ được thấy những loại hoa khác nữa giống như Đà lạt nhưng khi xe bắt đầu vào tới con đường Lê Lợi tôi vẫn chỉ thấy một loại dã quỳ thấp thoáng đây đó. Chung quanh tôi ngập những mầu áo trận và những chiếc xe nhà binh len lỏi khó khăn trên con đường chật hẹp. Đất đỏ dính ướt trên mặt đường, trên những bức tường và trên ngay cả những mái tôn rỉ sét. Xe rẽ phải trên con đường Hoàng-Diệu hướng về trường Nam tiểu học Pleiku. Con phố chính mang vẻ ngôi phố của một quận lỵ miền đồng bằng !

Tối hôm đó tôi tạm trú tại nhà của một người quen nằm trong khuôn viên của nhà thờ Tin Lành. Người học sinh đầu tiên của Pleiku tôi gặp là Lê thị Bạch-Quyến, chiều đó em có sinh hoạt gì đó tại nhà thờ và tôi thì đang thơ thẩn trong sân. Sau này em cũng là học sinh của lớp 10A2 trường Trung học Pleiku niên khoá 69-70, lớp học thân yêu đầu đời trong đời đi dậy của tôi. Cách ăn nói giản dị tự nhiên và lễ phép của em đã cho tôi ngay những ý nghĩ tốt về học trò tại Pleiku. Cảm nghĩ đó tôi mang tới tận bây giờ và phải nói là các em học sinh Pleiku là những em học sinh thật dễ thương và cũng là những học sinh mà tôi thương mến nhất trong suốt cuộc đời đi dậy.

Sáng Chủ Nhật tôi chợt có ý muốn đi thăm ngôi trường để sáng hôm sau sẽ khỏi bỡ ngỡ khi tới trình diện.Tản bộ trên đường Hoàng-Diệu về hướng trường Trung-học Pleiku tôi đã ghé ăn sáng tại quán cà phê mang tên Kim-Liên rồi dừng mua tờ báo Sóng thần tại tiệm sách Kim-Linh cách đó vài căn. Ít năm sau hình như khoảng giữa hai tiệm đã có một chi nhánh đầu tiên của một ngân hàng tư tên Đại Nam Ngân hàng mở tại đó do cụ Lý làm Thủ Quỹ.

Ngôi trường Trung-học Pleiku đã làm tôi thất vọng với chiếc sân trường không một bóng cây. Cả một sân trường là một khoảng đất đỏ thênh thang rải rác đây đó những mảng cỏ xanh. Không một bụi cây, không một chậu hoa..Sân trường vắng lặng làm tăng thêm vẻ nghèo nàn của ngôi trường. Tôi đứng dựa vào chiếc cột trước cửa Phòng Giáo-Sư nhìn về căn phòng ghi chữ Phòng Họcvụ, chiếc cửa mầu xanh cũ kỹ ,tường vôi vàng loang lổ hình như lâu lắm rồi chưa được sơn phết lại. Ngó ra phía trước mầu xanh duy nhất của cây lá là hàng rào tre phân chia ranh giới của trường với ngôi nhà bên cạnh. Gió trên đồi thổi về, những thân tre cọ vào nhau kẽo kẹt làm tôi chợt nhớ hàng rào tre của căn nhà ông bà nội tôi ngày nào !

Tôi lững thững đi dọc theo hàng tre về phía sau trường tay lần theo từng thân tre như để tìm về những ngày tháng xa xưa và bỗng nhiên cả một khoảng vàng rực những hoa hiện ra trước mắt. Phần hàng rào khoảng đầu hành lang của những lớp học chi chit những cây dã quỳ đang phơi hương sắc. Lòng tôi như ấm lại ! Hoa dã quỳ của Pleiku nhỏ hơn hoa dã quỳ của Đà lạt nhưng mầu vàng của hoa như đậm hơn và nở rộ hơn.

Những ngày sau đó tôi có thói quen trước khi bước vào lớp học hoặc khi xong giờ dậy lúc nào tôi cũng đánh vòng ra đầu hành lang để liếc mằt nhìn những chiếc hoa vàng tươi khoe mình trong nắng. Những em học-sinh ngoan ngoãn dễ thương đã làm tôi thấy ngôi trường càng ngày càng mang vẻ dễ thương. Hồi đó nam-sinh Trung-học Pleiku một số em thường vừa nghe tiếng trống tan trường là nhẩy cả lên bàn để giành nhau ra khỏi lớp. Tôi nghĩ không khí chiến tranh đã ảnh hưởng không ít thì nhiều đến đời sống của các nam-sinh thời đó nên chỉ làm bộ quay đi như không thấy.

Đôi khi không có giờ dậy tôi cũng đến trường nói chuyện với các đồng nghiệp hoặcđứng ở cửa Phòng Giáo Sư nhìn những em học-sinh chạy nhẩy chơi đùa.Trong cái khuôn viên có những đóa hoa dã quỳ vàng tươi, có hàng tre xanh có những khuôn mặt ngây thơ hồn nhiên tôi như quên được cái không khí chiến tranh đang đè nặng trên thành phố. Mái trường, các em học sinh đã như là mái ấm gia-đình của tôi thời đó. Giờ đây tôi vẫn không qưên được những dáng dấp ngượng nghịu dễ thương của các em lớp 6 Phạm Hồng Thái trong tà áo dài trắng ngày đầu tới trường.

Dưới con dốc nhỏ bên cạnh hàng rào kẽm gai khúc gần trường Tuyên-Đức không biết có ai còn nhớ một bụi hoa dã quỳ chừng 4 gốc nhưng hoa nở như dầy đặc cả cây. Mỗi mùa xuân đến khi rẫy đất người chủ vườn lại chặt sát đến gốc nhưng không hiếu sao đông về cây lại kịp lớn và nở đầy những hoa.Tôi dậy cả 2 trường Trung học Pleiku và Minh-Đức nên đã như con thoi đi lại giữa hai trường và cây dã quỳ đó đã như một người bạn thân trong suốt thời gian tôi ở Pleiku.Tôi đã ngắm nó hầu như mổi ngày. Có những buồi sáng mùa đông vội vã đến trường quên chiếc áo khoác ngoài, gió xuyên qua chiếc áo len lạnh buốt nhưng mắt tôi cũng không quên đảo đi để kiếm những nụ hoa vàng.

Những em học trò Phạm Hồng Thái của tôi có còn nhớ hàng rào hoa dã quỳ ngăn chia trường chúng ta với Ty Thanh-Niên và một số cây dã quỳ bé bỏng lẻ loi mọc trên khoảng đất sau trường nhìn xuống Thung lũng hồng?

Những bông hoa dã quỳ Pleiku với tôi thật là đẹp và những cây dã quỳ mọc trên những vùng đất khô cằn như đã tượng trưng cho người dân Pleiku, tượng trưng cho những em học sinh của tôi đã vươn lên trong chiến tranh, đã trưởng thành trong những ngôi trường nghèo nàn thiếu thốn nhưng vẫn không thua gì những học-sinh xuất thân từ những trường lớn nổi tiếng lâu đời. Tôi còn nhớ tên một số em đã đậu Tú Tài với số điểm Tối Ưu, một số em đã được đi du-học thời đó hay đã thi đậu váo các trường Đại học chuyên môn.

40 năm đã trôi qua tôi vẫn còn nhớ những bông hoa dã quỳ Pleiku, tôi vẫn còn nhớ những em học sinh của tôi ngày nào. Có những tiếng hát học trò thật hay tôi vẫn còn nhớ như Tin, Đông, Liên-Hương, Kim-Huệ và một số tôi đã được nghe trong những lần họp trại cuối năm. Tôi mới được tin là Tin và Đông sắp mang tiếng hát mình trở lại sân trường hát cho thầy cô và các bạn cũ cùng nghe. Xin nhắc Kim-Hương, tay vừa đệm đàn vừa hát trong tấm hình sồ 57 bộ hình sưu tập của Gs Cư trang Pleime, mới đây em đã hứa cũng sẽ hiện diện.Tôi đang mong đợi và cũng mong muốn tiếng hát Áo tiểu thư xưa nữ sinh Pleiku & Pleime ngày xưa cũng sẽ trở về.

Cũng được xin cám ơn các em cựu học sinh Phố núi Pleiku đã có lòng tạo dựng và chăm chút cho sân trường để chúng ta có nơi gặp gỡ tìm về với nhau trong tình thầy trò bạn bè xưa cũ.
.

 

  Gs Nguyễn đăng Dự
Cuối tháng giêng năm 2009 ( Québec, Canada )



What the world says about nhng and hoa
Fastest SFTP, FTP and FTPS Client on the Planet, GoFTP FREE