Đôi dòng về chữ nghĩa đổi thay

 

Hiện nay trên các trang web của cựu học sinh Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài vẫn còn xu hướng sử dụng những từ ngữ từ trước năm 1975 như “giáo sư”, “tổng giám thị”, “giám học”, “giáo sư hướng dẫn”… Điều này không sai so với thời điểm ấy. Mỗi lần tôi đọc những từ ngữ như thế,  tôi lại nhớ đến những kỷ niệm ngày tôi mới ra trường về nhận nhiệm sở tại Pleiku, mà cụ thể là ngôi trường Phạm Hồng Thái, nơi tôi làm “thầy” những ngày đầu tiên.trong cuộc đời.

 

Tuy nhiên,  có một điều khó khăn cho những người đọc trang web. nếu không sống trong môi trường giáo dục trước đây,  thì không sao hiểu được hoặc có thể hiểu khác đi. Họ sẽ thắc mắc vì sao mà một người vừa mới tốt nghiệp đại học, thậm chí chỉ tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm để giảng dạy cấp đầu tiên của trường phổ thông (trước đây là gọi là trung học đệ nhất cấp) đã được gọi là “giáo sư”? “Giám học” làm công việc gì ? v…v…

 

Quả là chữ nghĩa trong ngành giáo dục trong nước hiện nay đã đổi thay và không còn dùng những từ ngữ của chế độ cũ như thế nữa. Ngay bản thân tôi, đã có cơ hội được giảng dạy trong  nhà trường trước đây, đã từng được gọi là “giáo sư”, mà nay nếu có ai gọi tôi là “giáo sư”, tôi cũng cảm thấy đôi chút ngại ngần.

 

Người viết bài này  còn nhớ khi “di tản” khỏi Pleiku năm 1975 nhưng không đi được quá thị xã Phú Bổn (thị trấn Cheo Reo ngày nay), có gặp một anh bộ đội còn trẻ. Anh hỏi tôi làm nghề gì, tôi cứ thành thực trả lời anh tôi là “giáo sư”. Anh tròn mắt ngạc nhiên và nói với tôi: “Anh còn trẻ thế này mà là giáo sư à?”. Thế rồi anh giải thích cho tôi ở ngoài Bắc, từ ngữ “giáo sư” chỉ dành cho những  nhà giáo giảng dạy đại học, thông thường là phải có bằng tiến sĩ và phải giảng dạy nhiều năm rồi, lại có những công trình nghiên cứu mang tầm cỡ quốc gia và nhất là được hội đồng chức danh của Bộ Giáo dục chấp thuận. Cũng chưa đủ, còn phải được Quốc hội thông qua, lúc ấy mới được phong danh hiệu giáo sư. Khó như thế nên khi trở thành  “giáo sư”, những vị đó thường là đầu đã hai thứ tóc, nghĩa là đã già rồi.  Anh bộ đội còn nhấn thêm một câu nữa mà tôi vẫn còn nhớ : “Không ai gọi người giảng dạy cấp trung học là “giáo sư” bao giờ!”

 

Vậy thì  hiện nay ở Việt Nam, những chức vụ trong ngành giáo dục được gọi thế nào?

 

Câu hỏi này chắc sẽ làm cho những giáo chức trước đây có dịp so sánh giữa những chức vụ cũ và mới. Thực ra thì nội dung công việc tương đương với nhau vì cùng trong một quy trình đào tạo học sinh, chỉ có điều tên gọi khác đi mà thôi.

 

Trước hết là những chức danh của cấp đầu ngành giáo dục của một tỉnh. Cơ quan phụ trách này trước đây gọi là Sở học chánh mà đứng đầu là Chánh sự vụ Sở học chánh. Nếu tôi nhớ không nhầm thì cơ quan Sở học chánh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và đổi tên thành Ty Giáo dục mà đứng đầu là một trưởng ty. Nay từ này không còn dùng ở trong nước nữa mà được gọi là Sở Giáo Dục và Đào tạo, đứng đầu là một Giám đốc. Trưởng phòng nhân viên nay gọi là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ. Ngoài ra những chức vụ khác không thay đổi như thanh tra, khảo thí , chánh văn phòng…

 

Tuy nhiên ở cấp trường thì từ ngữ gần như thay đổi hoàn toàn. Chức danh Hiệu trưởng vẫn gọi là  Hiệu trưởng  song không còn chức Giám học mà được gọi là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn (gọi tắt là Hiệu phó). Không có chức danh Tổng Giám thị. Nhà giáo giảng day từ tiểu học cho đến cấp trung học cơ sở (Trung học đệ nhất cấp) và trung học phổ thông (trung học đệ nhị cấp) đều được gọi như nhau là “giáo viên”. Hướng dẫn một lớp trước đây gọi là “Giáo sư Cố Vấn “ sau đổi thành “Giáo sư hướng dẫn” nay được gọi là “Giáo viên chủ nhiệm”  Người phụ trách trông coi nhà trường trước đây gọi là “cai trường”, nay gọi là “Bảo vệ”.

 

Thi hết cấp phổ thông được gọi là Kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông, không còn gọi là kỳ thi “Tú tài”. Kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông nếu có hai lần thi không còn gọi là Khoá I hay Khoá II mà được gọi là “Kỳ I” và “Kỳ II”. Xếp loại cho thí sinh thi đậu không còn gọi là “Ưu”. “Bình” hay “Bình thứ”, “Thứ” nữa mà nay được gọi là “Giỏi”, “Khá” hay “Trung bình”. Về môn học có một môn học được đổi tên. Đó là môn Vạn Vật nay được gọi là môn Sinh học . Môn “Giáo dục công dân” thì hơi khác. Môn này ở Cấp 3 đã nhiều lần đổi tên. Những ngày đầu sau năm 1975 gọi là môn “Đạo đức”, sau đổi thành môn “Chính trị”, nay lại gọi là “Giáo dục công dân”. Môn Sinh ngữ cũng không còn gọi như thế nữa  là được gọi là Môn ngoại ngữ hoặc môn Tiếng nước ngoài (Tiếng Anh hoặc tiếng Pháp…). Hoàn toàn không có môn nào gọi là “môn nhiệm ý” như vẽ, nhạc, hoạ. Nếu môn nào được đưa vào nhà trường thì đều là môn bắt buộc. Tuy nhiên trong hai năm gần đây, nhà trường có dành một số giờ để cho học sinh củng cố lại bài đã học thì được gọi là giờ “tự chọn bám sát” và nếu giờ đó để học những kiến thức mở rộng thêm thì được gọi là “tự chọn nâng cao”. Về việc phân ban ở cấp cuối trung học phổ thông, trước đây gồm 4 ban là Ban Khoa học thực nghiệm (ban A), Ban khoa học Tóan (Ban B). Ban Văn chương (Ban C) và Ban cổ ngữ (Ban D) nay cũng không phân chia như thế mà kể từ 2 năm trở lại đây được gọi là Ban cơ bản (chương trình chuẩn), Ban Khoa học xã hội nhân văn (học nâng cao các môn Văn, Sử, Địa và Ngọai ngữ) và Ban khoa học tự nhiên (học nâng cao các môn Tóan, Lý, Hóa và Sinh).

 

Bài này chỉ có mục đích giúp các bạn học sinh cũ hiểu thêm một số từ ngữ hiện nay đang dùng ở Việt Nam. Người viết bài này hòan tòan không có ý muốn nói dùng từ này mới là “đúng”. từ khác là “sai”. Từ ngữ bản thân thân nó chỉ nói lên một khái niệm để chỉ một người hay một vật, thế thôi.

 

Tuy nhiên để cho hài hòa giữa từ cũ và từ mới đối với từ “giáo sư” được dùng trước đây mà bây giờ không còn sử dụng ở trong nước nữa,  từ nay trở đi có lẽ chỉ cần dùng một từ “thầy” là đủ. Vả lại, từ này cũng đúng với câu châm ngôn từ ngàn xưa để lại “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.

 

Pleiku 20.5.2007

 

NGUYỄN VĂN HÀO

Giảng dạy Lịch sử tại trường Phạm Hồng Thái (1973-1975)

Pleiku, Gia Lai, Việt Nam