PM Nguyễn Thị Đức
Một chiều tháng tám, tôi đang thong dong hưởng thú thanh nhàn, bất chợt điện thoại reo. Người gọi là MH. Rất lạ, cô nàng không mấy khi liên lạc với tôi.
- Chiều mai Đức có nhà không? - MH hỏi
Tôi đáp:
- Có, nhưng phải từ 5 giờ trở đi.
MH bảo:
- Được rồi, mai H ghé.
Một thông tin thật ngắn gọn nhưng gợi bao câu hỏi trong tôi. Chiều hôm sau, khoảng 6 giờ, tiếng MH vang lên ngoài cổng. Bước ra, chỉ thấy một mình MH. Theo ánh mắt của bạn, tôi nhìn ra phía trái của cổng : Thu Thuỷ! Mấy chục năm không gặp, nhưng tôi vẫn nhận ra bạn. Thuỷ co rúm người nhìn tôi:
- Nhà có chó không? Thuỷ sợ chó lắm!
- Yên tâm đi, có hai con nhưng nhốt vào chuồng rồi.
Thuỷ theo chân MH bước vào nhà. Tôi kéo bàn ghế mời bạn ngồi. Thuỷ vẫn như xưa. Dáng người cao, thon thả trong chiếc quần jean xanh, áo thun ngắn tay. Mái tóc đen mượt vẫn để dài, vẫn rẽ ngôi giữa. Vầng trán cao, hai má bầu bầu, đôi mắt tròn, to, đen, đôi môi mềm mại nửa như nũng nịu, nửa như ngoan hiền, nhu mì. Thuỷ nói đợt trước về có mấy ngày, không gặp được nhiều bạn bè. Lần này qua trang web biết tôi là bạn hàng xóm thuở bé nên đến thăm. Đã xúc động tôi càng xúc động hơn khi Thuỷ còn nhớ rõ về gia đình tôi. Thuỷ hỏi thăm ba má và các anh em tôi. Nhớ cả tên gọi ở nhà của đứa em trai tôi. Dường như xa xứ người ta nhớ nhiều, nhớ sâu sắc hơn những người ở lại.
Thời gian không nhiều, Thuỷ tạm biệt tôi và tiếp tục đi thăm các bạn khác. Một ngày. Hai ngày… Thuỷ vẫn bặt tăm. Bạn bè đã lên lịch, chắc chắn Thuỷ không còn thời gian rảnh nữa. Thuỷ xuất hiện như đoạn thơ của Nguyên Sa:
Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại
Rồi bất ngờ MH lại gọi, mời xuống nhà một người bạn học ở 279 Nguyễn Viết Xuân. Đến nơi, N và tôi đã thấy gần 40 bạn trung học Bồ Đề. Những mái tóc hoa râm. Những khuôn mặt đầy dấu vết thời gian. Cũng có người giữ mãi vẻ thanh xuân…Pleiku thật là nhỏ. Có nhiều người tôi quen như thầy Võ Đại Gia, vợ chồng thầy Nghĩa, Kim Ngọc, rồi Chương, Lợi, Hoàng Cúc, Kim Hương, Xuân Hương, Hạnh,…Toàn là những người văn hay chữ tốt nổi tiếng ở phố núi. Các bạn nói ai cũng có sẵn một bồ chữ, có điều chưa góp mặt vào LT đấy thôi. Tôi cười : “Vậy còn đợi gì nữa, Thuỷ đã về lần 2. Trang web của Bồ Đề đã có. Viết đi thôi.”
Xong tiết mục liên hoan, cụng ly chúc mừng, các bạn hồ hởi kéo nhau ra trước nhà chụp ảnh lưu niệm. Những ba máy và còn biết bao điện thoại di động. Thật đông. Nhiếp ảnh gia nghiệp dư khó mà lấy cho rõ từng khuôn mặt. Những người mẫu ảnh bất đắc dĩ đứng mỏi cả chân, cười mỏi cả miệng. Cuối cùng cũng xong, các bạn tiếp tục cuộc hàn huyên. Thầy Võ Đại Gia, vợ chồng thầy Nghĩa và chúng tôi ra về trước. Nhung bảo:
- Trường học Bồ Đề khí thế thật. Tập trung được cả 40 người. Có những người bỏ cả đám cưới để dự họp mặt. Lớp mình tập trung đông đủ thật là khó.
Tôi cười:
- Ừ, Thuỷ giỏi thật
- Để xem hôm nào rảnh, mời Thuỷ uống cà phê. – Nhung nói.
Thật là khó. Bạn học cũ của Thuỷ như MH, anh Châu, Hoàng Cúc, Kim Ngọc, Chương, Hồ Hạnh, Xuân Hương,… quá nhiệt tình và chu đáo. MH – người bạn thân thiết năm xưa nay xuất hiện bên T như hình với bóng, giữ vai trò như “ bà bầu “ lên lịch, xếp những cuộc gặp mặt cho Thuỷ, chẳng để Thuỷ rảnh giây phút nào. Bao món quà vặt thời đi học Thuỷ đều được các bạn cho nếm : từ chuối chiên, khoai chiên, bắp chiên, bột chiên đến sầu riêng, mít, xoài, bắp luộc, khoai luộc,…Rồi lại còn các thứ bánh: bánh ướt, bánh nậm, bánh xèo, bánh bột lọc, bánh ít, bánh bèo chén và các món quà vặt quen thuộc của phe kẹp tóc: bún bò, bún riêu, mì quãng, phở,…không thiếu món nào. Có chăng là thiếu mấy món gỏi thịt bò khô, cóc ngâm, xoài ngâm, me ngào, nước đá si rô, bánh tráng khoai lang…Quà bánh tuổi thơ nay được nếm lại, các bạn ăn thật ngon miệng; có lẽ là do có hương vị quê hương và chủ yếu là do có kỷ niệm , có tình thân của bạn bè.
Rồi một chiều, MH lại gọi rủ đến nhà Mai – bạn học của Tuyết, em Thuỷ. Năm giờ chiều, chiếc taxi 7 chỗ ngồi dừng lại trước cửa nhà. Thuỷ, Hoan, MH, Xuân Hương, Hồ Hạnh đã yên vị trên xe.Tôi bước lên, chiếc taxi nhằm hướng ngã 3 Hoa Lư thẳng tiến. Buổi học chiều đang kết thúc. “Tan trường, tan trường!...” Tiếng ai đó reo lên. Và Thu Thuỷ được ngắm cảnh học sinh tung tăng trên các nẻo đường.
Nhà Mai. Chủ nhà mới đi làm về, đang loay hoay mở cửa. Cả nhóm bước vào. Mai mời trái cây và trà Atiso. Thuỷ bảo:
- Thôi, cám ơn chị Mai. Mời chị và các bạn đến cà phê Thiên Trúc xem hoàng hôn xuống.
Thuỷ định gọi taxi. Mai bảo gần, tà tà tản bộ. Cả nhóm cùng xuất phát. Đi qua thung lũng Phạm Hồng Thái rồi tiếp tục đi nữa. Xa ơi là xa! Đôi giày của Thuỷ không dành cho việc đi bộ, chắc hẳn sẽ đau chân nhưng Thuỷ vẫn cười bảo không sao. Đường đất, hai bên còn cây cỏ, bụi rậm. Một chiếc ô tô đi ngược chiều, cuốn bụi đỏ tung vào mặt, vào người. Cả bọn ôm mặt quay lưng né bụi. Pleiku có thay đổi đến đâu, nắng bụi mưa bùn vẫn còn đấy thôi. Đến quán cà phê, Hoan đứng lại nói với tôi:
- Đợi để hỏi Thuỷ một câu.
Tôi hỏi:
- Câu gì vậy?
Hoan đáp:
- Hỏi có đau chân không?
Thuỷ đến, Hoan hỏi. Bạn trả lời với nét mặt rạng rỡ:
- Bây giờ chưa đau, còn tối nay thì chưa biết.
Cả nhóm theo cầu thang lên lầu. Bất ngờ TS xuất hiện và đang cùng người phục vụ tìm Thuỷ. Thì ra Tùng Sinh đi xe máy nên đến quán trước. Thuỷ rối rít xin lỗi và mời chị nhập vào nhóm. Thuỷ chọn một bàn ngoài hành lang, góc nhìn hướng về phía tây, nơi mặt trời đang từ từ lặn. Chẳng biết có phải Thuỷ đem cái nắng, cái nóng của bên ấy về không mà mấy ngày nay trời bỗng dưng tạnh ráo. Ai cũng bảo Thuỷ thật may, nếu không lần về này Thuỷ đành ngồi trong nhà đọc sách hoặc nhìn mưa mà hàn huyên cùng bạn bè.
Hoàng hôn dần buông. Thành phố đã lên đèn. Từ trên cao nhìn xuống cảnh vật thật đẹp. Xa xa, núi Hàm Rồng đường bệ. Gần đó là núi Sân Bắn. Gần nữa là thung lũng với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Gần hơn nữa là nhà cửa lô nhô, cái cao cái thấp. Cảnh vật càng đẹp hơn trong ánh chiều và mù mù khói rạ. Hoàng hôn buông xuống thật nhanh. Thuỷ hỏi:
- Bây giờ là hoàng hôn, phải không chị Tùng Sinh?
- Hoàng hôn cũng được, chập choạng cũng được, chạng vạng cũng được.
- Mà nhá nhem cũng được phải không chị?
- Ồ, đây là từ thuần Việt hay nhất để diễn tả thời điểm này. Nhá nhem – cả nhóm đồng thanh trả lời.
Chung quanh, bóng tối lan dần. Ngoài hành lang, quán không có đèn sáng. Muỗi Pleiku bắt đầu “thăm hỏi “ khách. Thuỷ và Hoan được muỗi quan tâm nhiều nhất. Thuỷ bảo :
- Người Pleiku ác mà muỗi Pleiku còn ác hơn.
Muỗi Pleiku ác thì tôi đã thấy nhưng người Pleiku, ai đó ác với Thuỷ – có lẽ chỉ riêng Thuỷ biết. Nhưng điều đó cũng cần phải xem lại. Bởi ngày xưa, khi chiều buông, đường TMT thường xuất hiện hình ảnh :
Tóc dài lộng gió tung bay
Ai ngờ tóc đã làm say lòng người
“Tóc dài” có khi đi với bạn, có khi sóng đôi với 1 chàng. Ai “ác”với ai, ai biết được?
Nhóm bạn của Thuỷ còn một cuộc hẹn với H Cúc. Xe taxi lại thả Mai và tôi xuống nhà. Các bạn còn lại tiếp tục cuộc hành trình.
Chiều 20.8, N và tôi mời Thuỷ cùng bạn bè nữ lên nhà chơi. Năm giờ chiều, khách chưa đến. N hối tôi gọi điện. Giọng MH vang lên :
- Ừ, đang đến đây, đang đến đây!
- Nhanh lên, còn mục 2, hát karaoke nữa.
Mấy phút sau, taxi dừng trước nhà. Chỉ có Thu Thuỷ, MH và Hoan, các bạn khác không tham dự được. N chiêu đãi món bún bò theo kiểu self service. Chỉ riêng Thuỷ là được MH chăm sóc, lấy bún theo yêu cầu. Nhìn các bạn ăn thật ngon miệng, N rất vui.
- Về đây ăn gì cũng ngon. Không thể từ chối những lời mời được – Thuỷ nói.
Tôi hỏi :
- Nghe nói bên đó ăn ít lắm. Sáng uống cà phê đi làm, trưa ăn nhẹ với vài lá xà lách, tối cũng vậy phải không?
Thuỷ đáp :
- Ừ, ăn ít lắm vì món ăn không hấp dẫn. Cái gì cũng đông lạnh, có tươi ngon như ở Việt Nam đâu.
Hoan tiếp :
- Thức ăn bên đó không ngon nên chẳng muốn ăn. Mỗi bữa chỉ ăn chút xíu mà lên cân nhanh lắm. Về đây ăn cỡ này sẽ lên cân vù vù.
Tôi cười :
- Thôi, nói như TĐ, cứ thưởng thức đi, về bển nhịn sau.
Cả bọn cười xoà rồi rộn rã nếm sầu riêng- loại sầu riêng hột lép vàng ươm, thơm lừng, thật hấp dẫn. Thuỷ và Hoan lại nhớ trái cây đông lạnh bên kia và chìm đắm trong nỗi sầu xa xứ. Bầu không khí chợt chùng xuống, trường xưa lớp cũ lại trở về trong tôi với những kỷ niệm đẹp và trong sáng của tuổi hoa niên:
Vừa mới đấy đã bao năm cách biệt
Bạn bè ơi, giờ ở những nơi đâu
Nghe tiếng trống sao chẳng về tụ lại
Trước sân trường ríu rít nắm tay nhau?
Sao chẳng thể một lần như thế nữa
Ngồi chung bàn chung ghế như xưa
Lại hồi hộp ngó bảng đen, phấn trắng
Cho mắt nhìn thắm lại chút ngây thơ?
(….) Sao không thể cùng về thăm thầy cũ
Ơi cái trống da trâu thay bọc lại bao lần
Giờ mới biết những hồi trống ấy
Làm tóc thầy từng sợi bạc thêm nhanh?
(Tiếng trống trường- Chử Văn Long)
Điện thoại của Thuỷ lại reng. H Cúc đang réo. Thuỷ đành cáo lỗi, không tham dự mục hát karaoke. Đành vậy thôi. Đâu dễ gì được bạn bè thương quý như Thuỷ. Đâu dễ gì có những người bạn tận tụy, nhiệt tình như nhóm bạn của Thuỷ. Có được niềm hạnh phúc đó có phải vì Thuỷ là người con của đất Bạc Liêu trù phú, hào phóng, lóng lánh cá tôm và các món ăn quen thuộc: canh kiểm nấu với bí đỏ, đậu xanh, nước dừa và món tôm khô, củ kiệu – những con tôm khô to, đỏ au, thơm ngọt thật bắt mắt và hấp dẫn của quê ngoại mà nhà Thuỷ thường mời khách mỗi khi tết đến xuân về? Có được niềm hạnh phúc đó có phải còn là vì tính cách chân thành, bộc trực, xởi lởi nhưng cũng rất sâu sắc như những câu hò vang vọng trên sông nước miền Nam làm lay động lòng người nơi quê ngoại của Thuỷ- người đã chọn cho mình một mảng riêng : “Thư gửi bạn xưa” với một giọng điệu thật nhỏ nhẹ, thân thương qua cách xưng hô:”Bạn thiết và em”? Có được niềm hạnh phúc đó phải chăng còn là vì cựu học sinh Bồ Đề dù ở nơi đâu cũng luôn nghĩ về nhau với những tình cảm đẹp và thân thương, không thể nào quên của một thời cắp sách đến trường
PM Nguyễn Thị Đức
tháng 8 năm 2009