KHOẢNG LẶNG NGẬM NGÙI
Nguyễn Hạnh - PK/PM
Mùa hè năm nay, tôi ở nhà ngắm hoa sầu riêng nở, nghe tiếng ve kêu . Cảm giác vừa lạ lại vừa quen. Hoa nở muộn nên đến gần cuối tháng năm mà chưa thấy quả sầu riêng đầu mùa nào rụng, toả mùi thơm sực nức như mọi năm . Còn khúc nhạc ve thì vẫn rộn lên muôn thuở . Không hiểu sao mà tôi có cảm giác tiếng ve thôi thúc, giục giã như đang đòi nợ vậy . Chắc là chúng đang đòi món nợ nghỉ ngơi cho các cô cậu học trò sau một năm học miệt mài .Vậy mà tôi xa trường cũng đã một năm rồi ! Một năm trôi qua của một kẻ sống trong hồi ức thì có gì đáng nói đâu . Mùa hè năm trước cũng là thời điểm cuối tôi được ngắm những chùm hoa phượng vĩ chớm nở trên sân trường, được đi trên những dãy hành lang quen thuộc, được hoà trong không khí rộn rịp của buổi tổng kết năm học …để rồi sau đó cách xa tất cả .
Cái ngày vừa mong đợi lại vừa không mong đợi ấy cũng đã đến rồi! Ngày tôi chia tay trường lớp, chia tay với tất cả những gì tôi đã gắn bó suốt 33 năm trong nghề dạy học . Cho dù tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, bởi hiểu đó là qui luật của thời gian. Nhưng tôi vẫn cảm thấy mình như đang chơi vơi giữa một khoảng trời tĩnh lặng. Từ đây tôi sẽ không còn phải vội vã những sớm chiều cho kịp giờ đến lớp, không còn háo hức với những bài thơ hay để truyền cho các em những cảm xúc lắng sâu, không còn phải trăn trở vì những bài giảng chưa thật hài lòng, không còn ăn chẳng ngon ngủ chẳng yên vì đám học trò cá biệt …Tôi thực sự trở thành kẻ nhàn rỗi đáng ghét trong những bộn bề của cuộc sống này rồi .
Ngày xưa cụ Nguyễn Công Trứ đã viết :
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu !
Những nhà nho tài ba lỗi lạc, khí tiết thanh cao như Nguyễn Công Trứ là hình ảnh những cây đại thụ ngàn năm toả bóng mát cho đời . Một thân cỏ dại bé nhỏ như tôi chỉ góp một chút màu xanh cho cuộc sống, chẳng mấy chốc sẽ khô héo lụi tàn theo ngày tháng . Tôi vừa cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản như ngưòi nông dân đã thu hoạch xong vụ mùa, vừa cảm thấy một chút chua xót bùi ngùi . Như một chiếc áo cũ bỏ đi thì tiếc, giữ lại thì thừa . Bây giờ tôi mới hiểu vì sao khi nội tôi còn sống, bà thường kể công với con cháu . Người già luôn muốn thừa nhận mình sống có ích cho mọi người . Vậy mà hồi ấy tôi cũng không biết làm vui lòng bà . Đến khi hiểu được thì muộn mất rồi !
Nhiều khi tôi tự hỏi mình đang sống thế nào đây? Lạc quan yêu đời, tận hưởng những hạnh phúc mình đã có được ? Miên man lo lắng những trắc trở tai ương sẽ đến bất cứ lúc nào ? Mong mỏi đợi chờ tương lai với nỗi bồn chồn ? Ước ao có được những điều ấp ủ khát khao ? Thèm muốn những điều giản dị bình thường đã đi qua cuộc đời mình một cách thiết tha vô vọng ? … Trong tôi luôn ngổn ngang rối rắm những điều vu vơ để rồi có lúc tôi cảm giác như một kẻ mộng du, trống rỗng ! Phải chăng đó là căn bệnh chung của những người đã
đến tuổi lui về nhường chỗ cho lớp trẻ năng động giỏi giang ? Và họ phải mất nhiều thời gian để tìm lại sự thăng bằng cho cuộc sống của mình. Tôi lại trở về với cụm từ giả định “giá như …” và cuối cùng tự khẳng định mình chỉ là một kẻ ngốc nghếch, vô tích sự , vừa đáng ghét lại vừa đáng thương . Một kẻ đang tự
chiêm nghiệm những gì đã đi qua cuộc đời mình với sự công bằng và nghiêm khắc . Để thấy mình là người mang nặng ân tình của tạo hoá và cuộc đời ban tặng . Để thấy mình vay nhiều nhưng chưa trả được bao nhiêu . Để thấy mình là người có lỗi …
Bao nhiêu năm làm người lái đò đưa những người khách bé nhỏ sang sông, từ những ngày đầu khó khăn gian khổ, cô giáo mới còn vụng về ngỡ ngàng trên bục giảng, tay cầm viên phấn còn run … đến lúc tôi thực sự rời xa bục giảng, biết mấy vui buồn đã ghi dấu ở những ngôi trường nơi phố núi thân yêu. Khi mới ra trường, tôi về dạy trường cấp II Nguyễn Văn Trỗi ( trước đây là Trường Nữ Trung Học Pleime ). Giờ học đầu tiên tôi bước vào lớp, ngay cái nơi ngày xưa tôi đã học lớp đệ ngũ 2 ở trường Pleime cũ . Lúc đó, tôi có cảm giác thật mơ hồ. Thấy như mình là cô học trò nhỏ ngày nào. Thấp thoáng đâu đó bóng thầy cô và đám bạn bè thân yêu đang tròn mắt lắng nghe cô giáo giảng bài. Nhưng rồi đám học trò nhỏ lao xao đã đưa tôi trở về thực tại . Tôi chợt tỉnh ra để vào bài giảng đầu tiên …Tôi đã là cô giáo !
Một cô giáo trẻ yêu thương học trò nhiều lắm . Nhưng cũng còn rất vụng về trong cách dạy bảo các em . Không vụng về sao được khi chưa có một chút kinh nghiệm gì . Lại còn xốc nổi bồng bột của tuổi thanh niên nữa. Phải mất 5 năm để tôi học làm người thầy, để có chút bản lĩnh trong công việc . Vậy mà thoắt đã hơn 30 năm . Tôi làm thầy chỉ ngần ấy năm .Nhưng làm trò thì suốt cả cuộc đời vẫn còn phải học !
Những lớp học trò của tôi đã khôn lớn trưởng thành. Nhiều em cũng nhớ đến thầy xưa, bạn cũ đã gửi thư hay đến thăm thầy cô những ngày Tết , lễ . Nhưng dường như tình cảm ấy ngày càng mờ nhạt hơn . Cũng phải thôi vì cuộc sống bây giờ mà! Cả ngưòi lớn lẫn trẻ con đều bị cuốn hút vào công việc, vào những đam mê, vào những cuộc vui huyên náo…Thời gian đâu để mơ mộng vẩn vơ. Có lẽ người ta sẽ chỉ tìm lại mình khi không còn nhận ra chính mình nữa !
Thầy cô luôn cất giữ hình ảnh của những khuôn mặt học trò qua bao thế hệ. Có khi lẫn lộn lớp này với lớp khác bởi hàng ngàn học sinh mà làm sao nhớ hết nổi . Nhưng những mẩu chuyện vui của các em thì như những câu chuyện cổ chẳng thể nào quên được. Mỗi khi cô trò gặp nhau chuyện lại nổ như bắp rang . Tôi vẫn giữ những bài thơ của các em tập làm, khi tôi dạy bài Tập làm văn của lớp 6 . Trong đó có những bài thơ của các em học sinh cá biệt cùng những trận cười vỡ lớp. Bài của học sinh yếu thì không có gì hay nhưng nó rất ngộ nghĩnh . Ai đọc cũng phải bật cười . Tôi vẫn trân trọng những gì của các em có được trong sự ngây ngô khờ dại . Khi viết những dòng này, tôi cũng đang cầm xấp bài của các em . Tôi lần tìm lại bài “ Con Cún nhà em “ của Trần Quốc Lãnh . cậu học trò lớp 6/1 lầm lì ít nói, hay nghịch ngầm . Tôi còn nhớ nụ cười bẻn lẻn của em khi nghe cô đọc “bài thơ “ trước lớp :
Con Cún nhà em
Có màu vàng nhạt
Mỗi khi nó sủa
Có người đến chơi
Mỗi khi đùa giỡn
Nó quẫy cái đuôi
Bụi bay đầy ngưòi
Mỗi khi nó đứng
Bóng nó khẳng khiu
Mỗi khi nó chạy
Nó chạy rất nhanh
Nhanh hơn cả người
Mỗi khi đi đâu
Nó thường chạy nhảy
Đến khi mệt mỏi
Nó đi từ từ
Vì sợ em mắng
Mỗi khi em mắng
Nó thường nằm im
Như nó đang ngủ
Mỗi khi em về
Nó mừng híp mắt
Nó sủa gâu gâu
Chào mừng em về .
Tập làm thơ bốn chữ là bài học cho các em vận dụng . Tôi cho các em viết theo đề tài tự do . Mỗi đứa một vẻ nhưng đều thể hiện nét hồn nhiên trong sáng rất dễ thương. Tôi động viên bài Con Cún nhà em của Lãnh, khen bài viết thể hiện óc quan sát thực tế, diễn đạt tự nhiên . Tôi cũng nhắc cách dùng câu chữ, vần điệu…Tôi vẫn đi tìm những gì đáng nâng niu trân trọng đằng sau cái vụng về của em .
Từ đấy về sau, Lãnh có vẻ chú tâm hơn trong việc học .Em đã cố gắng nhiều trong những bài viết tiếp theo, không còn bị điểm yếu nữa . Cho dù em chưa thể vượt hoàn cảnh để trở nên người thành đạt nhưng tôi vẫn hy vọng tâm hồn em luôn trong sáng đáng yêu như bài thơ em viết ngày nào. Tôi thầm cảm ơn em đã để lại cho tôi một kỷ niệm vui .
Giờ đây, khi đối diện với sự trống vắng tĩnh lặng của một không gian bình yên .. Tôi không còn giật mình khi nhìn thấy chiếc bóng của mình nữa mà cảm thấy yên tâm vì có người bầu bạn. Trong sự lẻ loi đơn độc, tôi đã tìm lại dấu tích của những kỷ niệm xưa. Nhưng trước mắt tôi vẫn có một khoảng lặng ngậm ngùi !
.
Hè 2009
Nguyễn Hạnh