Thư gởi đinh thế bằng


          Ngày 14 tháng 11 năm 2008 (10:12pm), nhận được email của Đinh Thế Bằng:


        Hi H. Đinh Thế Bằng đây sau hơn 30 năm mới dò được tung tích của mày đây (xin cứ goi nhau như xưa nhé). Tao vẫn còn sống và vẫn ở VN, hiện tao đang sống tại Sàigòn. Chỉ là tình cờ lên mạng xem "Pleiku xưa và nay" nên mới biết được những cựu học sinh Minh Đức Pleiku vẫn hàng năm họp mặt nhau trong và ngoài nước, nhưng chẳng thấy thằng nào quen cả nên tao mail đại cho liêntruongpleiku, ai ngờ gặp thằng Dũng mà tao cóc nhớ mặt mũi nó hỗi ấy ra sao, nó mail liền nên tao mới biết mày còn sống!

        Từ từ tao sẽ kể cho mày nghe về quãng đời lên voi xuống chó của tao cho mày nghe, ly kì lắm. Dũng có cho tao xem hình của mày, không khác xưa, tao vẫn nhận ra, tao se gửi cho mày tấm hình năm 70 tao chụp với mày ở Sàigòn nhé, tao giữ mãi, mỗi lần nhìn là nhớ đến mày, không biết hỏi ai. Pleiku thì từ dạo (Tết năm nào tao ở nhà mày mấy hôm ấy) chưa bao giờ trở lại.

        Bây giờ tao là ông nội rồi, còn mày ra sao, kể tao nghe với nhé. Huyện và Nghiêm vẫn còn khoẻ nhưng cuộc sống "lính ngụy" chẳng khá chút nào. Vài hàng thăm mày và mong hồi âm.

        Thân mến,

        DTB

        Thư gửi DTB,

        Viết, viết rồi xóa đi

        Bao nhiêu ngày... một chữ.

        Ấy thế rồi cuối cùng, hơn 35 năm "gặp" lại mày. Có thể nào nói được hết những xúc động này không?

        Bằng thân, tưởng rằng chỉ có mỗi mình tao phải "xa đô thành, một đêm sao mong manh." Tưởng rằng chỉ có mỗi mình tao rã rời với tiếng vượn hú chim kêu với những tháng ngày ở Kàtum Tây Ninh diệu vợi. Đêm nghe tiếng chim "bắt cô trói cột, nhớ em đứt ruột" mà thêm não lòng. Ôi những con tắc kè vô tư: Hết về.

        Mày cùng Áng lên rừng Daklak, đem theo con nhỏ dại khờ. Tưởng mình tao ở Kàtum thiếu thốn, vợ chồng mày cũng chẳng hơn gì. Bằng ơi, ai biết học trò Minh Đức lai lâm vào thiếu thốn. Hóa ra minh cũng trải qua thời buồn thảm giống như nhau. Ôi những thư sinh ngày nào trói gà không chặt, mình cũng nếm những gian truân "kiếp người." Thấm thía lắm câu: "Cuộc đời không phải là mộng đẹp, thì than ôi mộng đẹp cũng không phải là cuộc đời." Ray rứt lắm, cố quên đi đã.

        Tao rời trường Minh Đức vào đầu năm học đệ nhị, sau 5 năm chung thủy với Minh Đức của bọn mình. Đúng ra vào năm Đệ Tam, tao cũng thử xa Minh Đức một lần để theo cô bạn cùng lớp lên Đà Lạt vào học nội trú La San Adran, mà không thành. Chỉ thấy nàng được 2 lần: tại phi trường Liên Khàng ngày gia đình nàng dọn đến, và một lần tại chỗ Hoa Bình… Buồn quá lại trở về Minh Đức. Và xa nàng cho đến tận bây giờ.

        Trường Minh Đức của tụi mình là ngôi trường cũ, một dãy nằm ngang với đường Quang Trung, chỉ có văn phòng với chữ Minh Đức thât to là đối diện với đường. Nhớ không, vào thập niên 60, Pleiku mình lạnh lắm, cái lạnh chẳng bao giờ còn có được. Và sương mù cũng đẹp hơn bây giờ rất nhiều. Cả bụi đỏ cũng dễ thương hơn, đồng ý chứ!

        Tao nhớ lớp đệ thất của bọn mình hình như là căn phòng cuối dãy, của những anh chị thật thơ ngây bước vào năm trung hoc đầu tiên của cuộc đời. Trường mình có rất nhiều thông, lá thông che phủ cả lớp học của bọn mình, thành ra lớp học có vẻ lại tối hơn, dù là có điện. Và với thời gian, trường cũng phát triển thêm nhiều lớp nữa: Thầy Trần Mạnh Cường, rồi Cha Nguyễn Bá Quý, Cha Nguyễn Hữu Thế làm hiệu trưởng, mày còn nhớ không?

        Dài dòng thêm chút nữa, Thầy Tùng là thư ký văn phòng(chuyên viên nhắc nhở học phí, và Thầy Long là giám thị). Cạnh văn phòng là lớp đệ tam và đệ thất 1, rồi một khoảng trống là lối đi vào nhà vệ sinh. Nhà Ông cai dù là nhà đầu dãy kiêm buôn bán thực phẩm linh tinh cho tụi học trò, nhắc đến Ông cũng là lời nhắc nhớ tụi mình phải cám ơn Ông rất nhiều cả cuộc đời làm vệ sinh phòng ốc cho trường mình.

        Trường mình có sân bóng rổ, và cũng là sân chào cờ, phát bằng danh dự cho hoc sinh các lớp vào những ngày đầu tháng. Đối diện sân bóng rổ, hang đá Đức Mẹ ở hơi xa xa, cạnh những tàn thông, là nơi rù rì của bao tà ao trắng, và cũng có thể vài cuộc tình thuở học trò, những ánh mắt vư vơ, những thầm thì nho nhỏ, dưới chân hang đá, có ai trong những học trò Minh Đức ngày xưa đã được Đức Me nhậm lời. (Hay chỉ có mày và Áng?).

        Với tao, mày biết không, 5 năm chung tình với trường Minh Đức, rồi bỏ ra đi, vào đời, dù đã học thêm nhiều trường khác, nhưng chỉ có mỗi Minh Đức của bọn mình là ấn tượng không nguôi. Cả một kí ức êm đềm, như một giòng sông có nhiều kỉ niệm thơ ngây, bắt đầu phát sinh từ trường Minh Đức…

        Thấm thóat 30-40 năm trôi qua, thấy thương trường, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè, ai còn, ai mất và AI của mình đã ra sao... Ngôi trường Minh Đức cũng nhạt mờ trong tâm tưởng của bọn học sinh già và chợt nhớ, thôi đã là… dĩ vãng. Phải đến lần thứ 2 về lại Pleiku tao mới gặp lại Nguyễn Phúc, em Quang râu. Hồi còn đi học, hắn là địch thủ của bọn mình về làm báo tường. Phúc là người nhắc tao về Minh Đức, và Minh Đức trỗi dậy ở trong tao sau rất nhiều năm đã lãng quên.

        Còn nhớ thầy cô nào không Bằng? Một vài thầy cô trong trí nhớ của tao: thầy Duy, thầy Thanh. Hai thầy thường làm việc chung với nhau. Thầy Duy dạy bọn mình môn Kim Văn và Cổ Văn ngày đầu tiên ở lớp đệ thất, và tao thường được thầy giao đọc bài cho cả lớp viết những khi Thầy bận việc. Ôi sao lúc ấy, tao thấy mình quan trọng quá. Dù là học sinh Minh Đức, tao và Quang râu vẫn theo hai Thầy đi sinh hoạt chương trình phát triển SV/HĐ cùng các bạn THPK. Những lần đi cất trường học tại Trà Đa, nhiều lần mưa gió, thầy trò ướt như nhau, thế mà mái tóc của Thầy Thanh vẫn Kennedy quá (CPS).

        Mày còn nhớ thầy Huấn, Thầy Toàn không? Con hẻm nhỏ ở đường Lê Lợi, đi xuống hướng thung lũng, cái nhà giống như chuồng cu, có lẽ là nơi hai thầy định cư đầu tiên khi bắt đầu cuộc sống ở Pleiku. Dưới nhà, một dãy, có nhà Chiềng A Dưỡng, cũng thân với hai thầy lắm. Mày biết không, có lần tao viết "After Bag Army" để đố thầy Huấn, thầy dạy Anh văn đầu đời của mình. "Hậu bị quân." Trò đố thầy, chẳng hiểu Thầy nghĩ gì lúc ấy. Có quá ngây ngô không?

        Thầy Huấn cũng là người đầu tiên cho tao lên sân khấu. Sân khấu lộ thiên được làm tại sân trường tiểu học Minh Đức cũ bên đường Lê Lợi, sau này là trường THMD mới... Tao trong vai Quỷ chiến tranh: Ta la quỷ chiến tranh, đáp phi cơ phản lực, từ trần gian xuống địa ngục, để tường trình Đại Vương, bảo thắng lợi phi thường…

        Quang râu trong vai Quỷ dâm ô, mà dâm ô thì phải ăn mặc "sexy" một chút, chiếc quần đùi phải kéo lên thật cao, dâm ô mà! Trời thì lạnh, vừa diễn lại vừa phải chú ý đến cái quần, nghĩ lại, ai mà dâm ô cho được trong thời tiết ấy, phải không mày? Rồi Long lớp trên là Quỷ Vương với nụ cười như kép cải lương chính hiệu, và Doanh, một quỷ nữa, bây giờ ở nơi nào tao cũng không biết nữa.

        Lần thứ 2 lên sân khấu ở hội trường Thăng Long. Tao, Quang râu, Tuấn chỉ trong bài múa Trấn Thủ Lưu Đồn: Đất ngày nay, thanh lịch ư, đất có hữu tình, có đường vô sảnh ư, có Quán… Mọi tập dượt em ẩ, chuẩn bị diễn xuất thì thiếu màu mè hóa trang (thiếu râu). Xoay sở làm sao mà thầy mượn được cái chảo mỡ (có lẽ của mấy gia đình ở tại hội trường). Thầy cứ thế mà tha hồ trét lên mặt tui tao. Diễn xong, đến cái khâu tẩy trang, làm sao mà rửa sạch được cái mặt nhọ nồi cộng với mỡ? Tao may mắn có BKP lau mặt giùm. Dù thật kiên trì, mà những dấu hằn đen cũng vẫn cứ mờ mờ, chẳng chịu ra. Lúc ấy tao ước gì thầy thoa những nhọ nồi cho tao nhiều hơn nữa, đậm sâu hơn nữa, để được em P lau mãi, lau hoài.

        Và cô Lạng của bọn mình: Cô dạy tụi mình môn Toán, hình ảnh Cô trong chiếc áo len 3 lỗ, màu nâu nhạt và mái tóc ngắn ngang vai. Vẫn ở trong tâm trí tao đến tận bây giờ. Có đứa nào trong tụi mình quên được câu này:

        Đi đâu mà vội mà vàng,
        Mà vấp phải "dấu" mà quàng phải "rô"

        Chẳng biết mày ra sao chứ tao vẫn vấp hoài, cả trong môn Toán lẫn ngoài đời. 2-3 năm học lớp của cô, vui buồn lẫn lộn. Rồi cô xa trường Minh Đức theo chân chồng là lính. Cô đã dắt tao đi chùa Vĩnh Nghiêm và cũng giảng giải thật nhiều những khi cô và tao có dịp tâm sự. Cô mang theo một lý tưởng và hoài bão cao cả, cho đến tận bây giờ.

        Cô muốn học trò cô phải có một lý tưởng, mà tao thì đã đánh mất tự bao giờ. Tao thấy có lỗi vì đã làm cô thất vọng ngay từ thuở xa trường, xa cô. Mày biết đấy, tuổi trẻ và những trò chơi ái tình diệu vợi, những cuộc tình nhiêu khê, những thất vọng trong cuộc chiến tranh, và tao đã sa lầy, lạc vào một cõi u mê không tìm ra lối thoát. Bài học thuở đầu đời tưởng như đã lãng quên, chữ nghĩa đã trả hết cho thầy. Tao không còn lối đi nào khác. Có lúc tao chợt nhớ thầy Toàn trong một trang báo: khởi hành không bao giờ muốn, ăn thua mình có dám bước đi không. 20 năm sau lại phải khởi hành. Xin ghi nhớ suốt đời những điều thầy cô chỉ dạy. May làm sao, tao vẫn còn được là NGƯỜI ít ra, trong ý nghĩ của tao và các con tao.

        Bạn bè giờ muôn ngã
        Buồn từ lúc chia ly.

        Đến thằng Quang râu: Cái thuở của chúng mình - trường hầu như nhiều người biết Quang râu, đơn giản thôi, vì hắn có râu quá sớm. Ai cũng biết tao và Quang là một cặp bài trùng và bọn tao đã từng là cặp cầu thủ chơi bóng rổ rất ăn ý của trường Minh Đức ngày nào. Hình như lớp mình chưa thua các lớp ở trường? Lớp Nguyễn Phúc gồm Lê phát (đầu bạc, Lê Phúc, Huy, Nguyễn Chính, Biển chưa bao giờ thắng chúng ta?

        Báo tường, Tờ Thông Reo ngày ấy không có lớp nào qua mặt, ngoài lớp của Phúc, Biển, Liên Hương và Nguyễn Thị Phượng là đối thủ chính của chúng ta, có thắng, có thua, ghê chưa Bằng? Thông thẳng sống ngay sống giữa trời, reo vang tiếng nhạc khắp nơi nơi

        Oai nhỉ? Đó là điều có thật mày ạ. Còn chức vô địch toàn trường bóng bàn đôi nam, vũ cầu đôi nam và còn nhiều cái chức vô địch (chỉ có ta và Quang râu có) là... giả. Lí do: Vì hắn chữ đẹp, lại có tài giả mạo chữ ký của Cha hiệu trưởng. Có lần, thầy Tùng giao cho nó viết tên họ, thế là 2 thằng tao có rất nhiều chức vô địch giả trong trường, mà có dám khoe ai đâu, mà đố ai dám khoe, phải không mày?

        Tao muốn cảm ơn thằng Quang, cảm ơn cả cái lần đầu tiên nó tập cho tao uống rượu - nhà nó nấu rượu mà- hai đứa lên lấy rượu của ông già nó đem lên vườn thông ngồi làm sạch, say ngất ngưởng để tương tư về P (hoặc chỉ mình tao thôi). Mà P. có biết gì đâu, chỉ hai thằng tao, tự say và tương tư P., để rồi rượu cũng theo tao đến tận bây giờ - nhưng nhẹ hơn nó nhiều. Và P. thì vẫn ở mãi đâu đâu. Chúc nó mau lành bệnh. Không biết nó còn nhớ gì không?

        Này Bằng, Chắc hẳn mày vẫn còn nhớ BKP. Tao nghĩ là mày nhớ, vì P. xinh và thùy mị nhất trường mà. Tao chỉ nhớ tao học chung với P. hai lớp thì phải, đầu năm đệ ngũ, P. đã thi vào Pleime rồi, tuy tụi tao vẫn liên lạc với nhau. Từ năm đệ thất, tao và P. quen nhau. Trong lớp chỉ có hai đứa tao xài mực xanh màu lá cây nên khi hết mực, chỉ có hai đứa tao có thể cho nhau.

        Đầu hè năm đệ lục, thỉnh thoảng P hay ghé thăm nhà tao mỗi sáng, hai đứa cùng đi chợ, đi vòng vòng. Chợ Pleiku hồi đó dơ lắm, bùn nhiễu chỗ lên đến cả mắt cá chân, nhất là khu chợ cá. Một lần P. bảo, "Hè này có lẽ là năm cuối cùng mình gặp nhau. Gia đình P. sẽ dọn về Châu Đốc." Tao chỉ biết nói: "Thật à, buồn quá nhỉ?" P. nói tiếp, "Lần này đi, chắc không bao giờ gặp nhau nữa." Tao im lặng.

        Cũng chẳng hiểu sao lúc đó tao đã không nói gì hơn. Cúi xuống nhìn bàn chân hai đứa, đều lấm tấm bùn, rồi lại nhìn nhau. Sau này và cho đến tận sau này, tao công nhận người ta trầm ngâm quá. Tao muốn nói với P. những điều này: Cám ơn P đã lau mặt thật kĩ cho mình hồi đó, cảm ơn những quan tâm rất học trò đến mình qua những lần cắm trại tại Phú Thọ- An Mỹ mà chỉ có chúng ta mới biết những ưu ái nhè nhẹ đó thôi. P. có biết không, khi P. báo sẽ theo gia đình về Đàlạt, đó cũng là lần bỏ trường Minh Đức đầu tiên của mình, để theo P. Lần thấy P. ở phi trường Liên Khàng và một lần tại chợ Hòa Bình, chỉ nhìn thấy nhau mà chẳng dám nói gì, sợ mẹ chăng. P. bảo là sẽ nhờ cha mẹ P. làm người giám hộ cho mình, để mình được ra khỏi Adran mỗi cuối tuần, thế mà mình chờ P. mỏi mòn, mỏi mòn. Đi lang thang tìm nhà P. cung mỏi mòn, mòn cả gót giày. Đàlạt lúc đó đối với mình xa lạ lắm, cô đơn khôn cùng, nào có thấy bóng dáng P. nữa đâu. Cho đến bây giờ…

        Mày biết không? Cũng vì P. nên tao yêu Pleime. Đã bao lần thơ thẩn, trông chờ P. ở ngoại vi trường. Quên đi bụi đỏ, quên đi nắng gió những ngày gắt gay. Cùng một lần vì P., tao tương tư màu áo xanh Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Mà Đà Lạt đối với tao lúc đó mênh mông như biển, ngút ngàn như rừng, làm sao tìm được một tà áo xanh giữa màu xanh của biển, tìm đâu ra màu áo xanh của một mình mình, của tao.

        Thất vọng quá tao bỏ Adran về lại Minh Đức, chắc mày chưa quên. Bao nhiêu tiếc nuối, nhớ nhung, cái thuở học trò và màu xanh lá cây của mực. Một cái khăn tim tím màu hoa pensee, đúng là màu chia cách, mà chia cách thật rồi. Có ai con giữ lại được những trang lưu bút ngày xưa, mà mỗi lần viết phải nát óc viết cho một người, kể cả phải nhờ ông anh “gạ” văn cho viết, để rồi 40 năm đã đi qua, vẫn hình dung khuôn mặt P. như ngày nào, vẫn nghe thoang thoảng tiếng nói miền Châu Đốc sao mà ngọt ngào đáng yêu đến thế. Bởi vì trường Minh Đức cũ không còn, trường đã đem đi tất cả những kỉ niệm học trò, cuốn theo dòng thời gian. Mà, thời gian ơi, vẫn vô tình. Bằng ơi, tao và mày giờ đã gặp lại, còn P. không biết giờ này đang ở đâu? Có khi nào P. nhớ lại trường thuở đầu tiên của bọn mình? Bất chợt đưa tay lên xoa mặt, hình như vết nhọ nồi năm xưa vẫn còn đó, in sâu đậm mà P. năm xưa của tao vẫn ở tận phương nào…

        Bằng thân thương, thế là DTB, DTN, DTH, Quang râu, Phan Gia Đạt, Chiềng a Dưỡng, còn có các thầy cô, nhiều lắm, chúng ta, kẻ còn, người đã, người không bao giờ liên lạc được, cũng hình như đã theo trường. Là một dãy nhà dài còn đó, một nỗi buồn mênh mang.

        Nhìn ngôi thánh đường mới khang trang, hàng thông ít đi cùng những cây phượng một thời. Chẳng bao giờ thấy được hang đá nữa, chẳng bao giờ thấy lại ngôi nhà thờ xây từ đời Pháp xa xưa, chẳng bao giờ thấy lại dãy nhà sàn nơi các Cha cư ngụ. Một ngôi trường đã xóa tên, những học trò năm xưa giờ cũng tròm trèm 60 cả rồi, ông nội, bà ngoại là ít. Vẫn mong một ngày gặp lại, chứ không phải trên phone, có lẽ mình sẽ có nhiều chuyện đáng nói lắm, Bằng nhỉ?

        Nhận thư mày xong, ngồi nhớ Minh Đức quá. Viết cho mày, cho ai nữa. Thế thôi.


        NVH

        TB: Tao gửi mày danh sách thầy cô và bạn bè trong trí nhớ. Mày xem còn ai nữa không thì cho biết nhé.