Hầm Hô du ký
Pm NguyễnThiĐức
Riêng tặng DiệuThảo
- o0o -
Từ khi học chung với KS năm lớp 10, càng ngày tôi càng thấy rõ tài “ tổ chức sự kiện ” của nó. Nếu ngày còn đi học thì đó là tài “ đầu têu ”, bày trò nghịch phá thầy cô, trêu ghẹo bạn bè; nay là tài rủ rê, tổ chức những chuyến đi. Thật là may mắn, nhờ máu lãng du và tài lôi kéo của KS mà tôi được đi khá nhiều nơi. Nào là Phú Phong, Tuy Hòa, Banmêthuột, Sài Gòn; nào là KonTum, Măng Đen; nào là Nha Trang … Chuyến đi gần đây nhất của hai đứa tôi là Pleiku - Qui Nhơn - Hầm Hô.
Đó là một chuyến du lịch thật tình cờ. Số là ông xã Sen đang làm hiệu trưởng một trường trung học phổ thông. Ngày 8.3 – Ngày quốc tế phụ nữ - các cô giáo ở trường tổ chức đi Hầm Hô – Qui Nhơn. Chuyến đi vào ngày này thường là chỉ dành riêng cho nữ giới. Nhưng các cô giáo lại mời cả một số thầy giáo, gọi là để bảo vệ chị em và có nam có nữ cho vui; đồng thời mời cả KS. Có một điều rất nghịch lý : luôn là thủ lĩnh trong những vụ quậy phá nhưng một mình thì KS có vẻ ngần ngại. Vậy là tôi được “ ăn theo ”. Mà tôi thì luôn rảnh rỗi.
Một giờ chiều ngày 7.3, chúng tôi có mặt tại trường THPT chuyên Hùng Vương ( trường nam tiểu học Pleiku xưa ). Chiếc xe khách từ từ lăn bánh. Đèo Mang Yang. Đèo An Khê. Đất Tây Sơn - Bình Định đây rồi. Xe vẫn chưa dừng vì đích đến đầu tiên là biển Qui Nhơn.
Năm giờ rưỡi chiều, xe dừng trước khách sạn Hải Âu - một khách sạn bốn sao nằm sát bờ biển. Trời xanh, mây trắng, nắng vàng, gió biển mát rượi, sóng biển rì rào. Một khung cảnh thật tuyệt, càng tuyệt hơn đối với những người dân núi như chúng tôi.
Các thầy cô giáo trẻ tíu tít rủ nhau tắm biển. Mấy cô giáo có tuổi và chúng tôi chỉ đi dạo trên bãi cát, không dám vùng vẫy trong làn nước biển xanh biếc. Sức khỏe là chính, không dám chủ quan. Vả lại có ai biết bơi đâu. Chúng tôi ngồi trên bãi biển, ăn dứa, ăn bánh tráng, căng ngực ra hít khí trời, ngẩng mặt đón gió biển và ngắm cảnh vật, con người. Gió biển thổi mạnh xua tan những mệt mỏi, căng thẳng, bộn bề đời thường.
Cơm tối xong, xe đưa chúng tôi đến cầu Nhơn Hội – cây cầu dài bắc ngang qua đầm Thị Nại và qua biển Qui Nhơn. Trời đầy sao. Gió biển thổi mát rượi. Sóng biển ầm ào. Chúng tôi xuống bãi biển bên kia cầu, nghịch cát, để sóng biển và gió biển mơn man da thịt.
Đêm. Chúng tôi không mở máy lạnh mà mở cửa sau ngắm sao trời, hít căng làn gió biển và để tiếng sóng biển ập vào giấc ngủ. Năm giờ sáng, Sen gọi tôi dậy đi “ nhúng ” nước biển. Tôi vẫn lăn qua lăn lại trên giường. Chín giờ sáng, xe chuyển bánh, bon bon chạy về hướng Pleiku. Lúc này các thầy cô giáo đều có vẻ mệt, không hào hứng đi bảo tàng Quang Trung và Hầm Hô nữa. Nhưng trưởng đoàn và phó đoàn tươi cười : “ Mục tiêu chưa đạt. Phải tiếp tục đến Hầm Hô ”. Một vài cô giáo đã đến đây, thở dài : “ Phải đi lúc sáng sớm. Giờ này nắng chang chang. Hầm Hô toàn đá với đá. Phơi nắng cũng đủ chết ”. Thoáng nghe tôi cũng cảm thấy mệt mỏi và kém hào hứng.
Xe đến Tây Sơn. Sau bữa cơm trưa, hai giờ chiều chúng tôi lại tiếp tục đến bảo tàng Quang Trung. Trời nắng nóng, người đông như hội, dường như biển số xe của tỉnh nào cũng có ở bãi đậu xe. Theo đoàn, chúng tôi vào xem biểu diễn trống trận Quang Trung, võ thuật và xem biểu diễn nhạc cụ Tây Nguyên. Rồi qua bảo tàng nghe thuyết minh về gia phả, về quá trình khởi nghiệp của ba anh em Tây Sơn Nguyễn Huệ. Người thuyết minh nói rặt giọng “ nẫu ”, đã khó nghe lại nói nhanh, thật là tiếc. Rời bảo tàng, chúng tôi đến nơi xưa kia có nền nhà của anh em Nguyễn Huệ. Một khoảnh đất thật rộng. Rồi lặng nhìn giếng cổ, nhìn du khách múc nước giếng uống, rửa mặt và nghe giai thoại ai uống nước ở giếng này đều sinh được con trai làm vua, con gái đẹp như hoàng hậu. Cây me xưa ở nhà ba anh em Nguyễn Huệ giờ đã thành cây cổ thụ, xanh tươi, vòm lá xum xuê, lúc lĩu quả…
Rời bảo tàng, xe chạy theo một con đường quê nhỏ, đầy ổ gà. Hai bên là nhà cửa và cánh đồng. Mùa khô, đồng bãi xơ xác, đất nứt nẻ cằn khô. Xa xa là núi. Nơi đó là danh thắng Hầm Hô. Xe dừng. Bao nhiêu xe ! Bao nhiêu người !

Thắng Cảnh Hầm Hô-Qui Nhơn
Hòa cùng dòng người đông đúc, chúng tôi mua vé, vào cổng, che dù cuốc bộ đến bến đò. Danh thắng Hầm Hô được tạo nên từ sông Kút - một nhánh sông nhỏ đổ vào sông Kôn. Con sông Kút nước chảy hiền hòa trên một nền đá lô nhô, không có thác ghềnh. Dòng sông lững lờ trôi, nước trong văn vắt, thấy cả nền đá ở dưới đáy. Hai bên là vách đá, cây rừng. Có hai đường đến Hầm Hô : đường bộ và đường thủy. Đường bộ men theo nhánh sông, chỗ dốc, chỗ thoai thoải. Có đoạn cây rừng giao tán, tỏa bóng mát rượi, các dây leo mềm mại rũ xuống, dội tiếng ve ngân. Đường thủy thì ngồi đò ( 4 đến 7 người một đò ). Lúc đi xuôi dòng, về ngược dòng. Nước sông êm ả nên ông lái đò chèo không vất vả, chỉ lo chống. Vì nhánh sông này rất hẹp, không khéo thì đò ngược xuôi va chạm nhau hoặc mũi đò chạm vào bờ, mất thăng bằng dễ lật.
Mới xuống xe, còn khí thế, Sen và tôi chọn phương tiện đi bộ. Chiều rồi. Nhánh sông Kút bắt nguồn từ đâu chúng tôi khống đi hết được. Hai bên sông, trên những vách đá, sườn dốc, rừng cây, người ta làm những căn chòi. Du khách mang thức ăn, nước uống, đàn, loa tay, máy chụp hình theo. Họ tắm, phơi quần áo, ăn uống đàn hát, tát nước vào nhau. Chúng tôi chỉ ngắm cảnh. Có những cây rừng hoa đẹp và thật lạ. Sen chụp không biết cơ man nào là ảnh. Vừa ngắm cảnh chúng tôi vừa ước phải chi có Thảo. Lần sau Thảo về nhất định phải đưa Thảo xuống đây chơi. Mẹ con nó vốn ưa thích cảnh thiên nhiên hoang sơ mà.
Đến chỗ đoàn tập trung, chúng tôi men theo những tảng đá, qua cầu sang bên kia sông. Nước trong và có lẽ chưa đến đầu gối. Thấy mọi người tắm, vùng vẫy đùa giỡn tôi rủ Sen lội xuống ngâm nước. Nó khoái chí xuống trước. Một thoáng chao đảo. Tôi hốt hoảng hỏi nó có sao không. Sen lắc đầu, bước lên rồi ngồi thụp xuống nền đá, cởi đồng hồ rồi đưa tay nắm chặt ngón chân cái đang chảy máu. Sen học nhân điện và đang đưa ý cấp cứu. Nghe nói nhân điện cầm máu rất tốt, tôi vô tư lội xuống nước. Nhưng lạ chưa, máu vẫn loang đỏ nền đá. Tôi vội vã chạy lên. Các cô giáo xúm lại. May mắn thay một nhân viên của khu du lịch xuất hiện mang băng bông, ôxy già đến sơ cứu. Máu đã ngưng chảy. Sen cởi dép, cà nhắc lên đò cùng chúng tôi trở về bến.

Hầm Hô và những chiếc đò nhỏ
Đò có 7 người. Ông lái đứng sau chèo nhè nhẹ. Đầu mũi, trưởng đoàn cầm một chiếc sào ngắn khẽ chống theo sự điều khiển của ông lái. Dân núi, ngồi đò tròng trành lạnh cả sống lưng. Ai cũng ngồi cứng đơ dù vẫn biết nước sông không sâu. Mỏi cổ. Mỏi lưng. Ê cả người. Căng thẳng đến mức chẳng thưởng thức được cảnh trí thiên nhiên thơ mộng. Một nhánh sông Kút được dẫn vào đây. Hai bên cây cối xanh um đan vòm, tỏa bóng mát rượi. Bóng cây và hơi nước tỏa ra làm bầu không khí mát lạnh. Nước trong, nhìn rõ từng đàn cá tung tăng bơi lội. Cảnh vật thật yên tĩnh. Yên tĩnh đến mức tôi bỗng nhớ tới đoạn văn : “ Khách du lịch hỡi ! Người hãy đến đấy ! Hãy cột chiếc thuyền nan của mình vào một khóm lau già cỗi… Tôi cam đoan không còn phương thuốc nào hiệu nghiệm bằng để trị bệnh lao tổn cho người ”.
Đò từ từ cập bến. Chúng tôi ra xe về lại Pleiku, kết thúc một chuyến đi không định trước nhưng thật thú vị. Chuyến đi sẽ trọn vẹn hơn nếu Sen không bị đá cứa chảy máu chân. Các bạn có biết dòng máu “ đầu têu ”, nghịch phá của KS thời đi học nay vẫn hừng hực chảy trong huyết quản. Chỉ khác một điều không quậy phá mà lãng tử, theo chủ nghĩa xê dịch của Nguyễn Tuân, luôn thích rủ bạn bè tổ chức những chuyến đi xa…
Pm Nguyễn Thị Đức